Học sinh Việt có quá nhiều thứ 'học để quên'

Nhìn trẻ con bây giờ học hành rất vất vả (đặc biệt giai đoạn cấp 3) cũng giống như bản thân mình ngày xưa, tôi tự hỏi tại sao lại phải học nhiều thế? Có lẽ chỉ vì mục đích cao nhất đó là học để thi đạt điểm cao, để ghi thành tích và có một tấm bằng đi xin việc, nuôi hy vọng thăng tiến. Còn những kiến thức đó có ý nghĩa sát thực với cuộc sống của chúng ta không? Có, nhưng không phải tất cả, còn có nhiều kiến thức ở dạng học để quên:

- Toán học: Trong cuộc sống và trong quá trình lao động kiếm tiền, có bao giờ các bạn phải tính đạo hàm, vi phân, tích phân, tìm quỹ tích, chứng minh bất đẳng thức, khảo sát hàm số... và bạn còn nhớ cách làm không hay quên lâu rồi (có người sẽ dùng nhưng tỷ lệ chắc chỉ 0,01%)?

- Lịch sử: Sau bao nhiêu năm học, liệu bạn có tổng hợp nổi kiến thức lịch sử trong một tờ A4 được không, bạn có nhớ được các triều đại phong kiến ở Việt Nam, có nhớ được chi tiết các trận đánh, có nhớ gì về lịch sử châu Âu...?

- Văn học: Bạn nhớ được gì ngoài một số bài thơ, các nét chính của những tác phẩm mà ta đã học, còn những tiểu tiết, những thủ pháp nghệ thuật... bạn còn nhớ không hay quên sạch rồi?

- Vật lý: Mấy kiến thức như chu kỳ dao động, mạch RLC, vật lý hạt nhân... bạn còn nhớ được không hay chỉ còn lại vài khái niệm cơ bản, và trong cuộc sống bạn có bao giờ phải tính xem có bao nhiêu photon, electron không...?

- Hóa học: Từ khi đi làm đến giờ có bao giờ bạn có phải cân bằng phương trình hóa học, có còn nhớ cách làm, đọc tên hay tính lượng chất thoát ra sau phản ứng hay không? Có lẽ là không, như tôi chắc chỉ nhớ được vài khái niệm về axit, muối, kiềm, mấy kim loại....

>> 'Học sinh Việt phí hoài 12 năm phổ thông vì phải giải toán quá nhiều' Học sinh Việt phải học quá nhiều thứ để quên

Vậy tại sao chúng ta lại có một chương trình học phức tạp và chuyên sâu đến thế? Sao chúng ta không dạy học sinh những kiến thức cơ bản, những thứ cần cho cuộc sống, dạy ít mà nhớ lâu còn hơn là dạy nhiều để quên hết. Ai muốn nghiên cứu, tìm hiểu chuyên sâu thì có thể tự tìm tài liệu đọc thêm. Lấy ví dụ như môn lịch sử, chỉ cần tóm tắt lại các nội dung chính ở vài trang rồi truyền đạt để học sinh nhớ được các mốc cơ bản đó, các tiết học trở thành buổi kể chuyện, buổi chiếu phim lịch sử, buổi thảo luận... có phải hay hơn không? 

Trong khi đó một người bước chân ra trường đời gặp rất nhiều khó khăn: kỹ năng giao tiếp; kỹ năng trình bày văn bản, email, công văn, giấy tờ hành chính; kiến thức y học, dinh dưỡng, nuôi dạy con cái, kiến thức yêu đương, phòng tránh thai... 

Tại sao không dạy học sinh cái chúng cần thay vì dạy thứ mà ta có? Dạy những thứ để học xong rồi quên thì chỉ càng làm phí phạm thời gian, công sức và tiền bạc.

 

Các bài khác: