Là người giữ quyền công tố trong phiên tòa trước khi bị cáo Lương Hữu Phước nhảy lầu tự tử tại trụ sở TAND Bình Phước, ông thấy bị cáo hôm đó như thế nào?
- Lúc sự việc xảy ra tôi đang giữ quyền công tố một phiên phúc thẩm khác tại tầng một TAND tỉnh, hiện trường ngoài hiên sân tòa. Do trong thời gian làm việc, tôi không ra ngoài nên không biết nạn nhân lại chính là ông Phước. Đến chiều về cơ quan, nghe đồng nghiệp nói lại, tôi rất bất ngờ và cảm thấy đáng tiếc.
Sáng hôm đó (29/5), tôi có mặt để nghe HĐXX ra phán quyết sau ba ngày nghị án. Bị cáo Phước đi cùng luật sư Dương Vĩnh Tuyến. Tôi thấy bị cáo không nói gì, sau khi tuyên án cũng bình thường, đi về với luật sư của mình. Nếu bị cáo có phản ứng mạnh mẽ hay tâm lý bất ổn lúc tuyên án thì có thể chúng tôi có biện pháp phòng ngừa và can thiệp nhằm ổn định tâm lý, ngăn sự việc đáng tiếc.
- Quan điểm luận tội của ông trước khi HĐXX bác kháng cáo kêu oan, tuyên y án 3 năm tù đối với bị cáo về tội Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ?
- Tôi thấy bản án đúng với kết quả điều tra trong hồ sơ, lời khai của bị cáo và những người liên quan tại phiên tòa phúc thẩm lần hai, đúng quy định pháp luật, không oan.
Khung hình phạt Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ theo điểm b, khoản 2, điều 202 từ 3 đến 10 năm. Bị cáo không thể hiện sự ăn năn, thành thật khai báo... nên có rất ít tình tiết giảm nhẹ. Tôi đề xuất y án sơ thẩm là đúng theo quy định.
Kiểm sát viên chỉ kiến nghị, còn xem xét tuyên án ở mức nào thì thuộc quyền của Hội đồng xét xử. Nhưng tôi thấy hình phạt ấy đúng, không nặng so với diễn tiến điều tra và ở phiên tòa. Nếu đề xuất giảm nhẹ khung hình phạt hoặc án treo thì không có căn cứ, phải phù hợp với quá trình điều tra, xét xử.
Hiện trường vụ tai nạn giao thông ngày 15/1/2017. Ảnh: Hồ sơ vụ án.
- Xử phúc thẩm lần một vụ án tháng 10/2018, TAND tỉnh đã nêu ra 10 lý do để hủy án sơ thẩm. Vậy quá trình điều tra, truy tố lại sau đó VKS thấy đã làm rõ được bao nhiêu vấn đề?
- Dựa theo hồ sơ, biên bản khám nghiệm ban đầu, thực nghiệm hiện trường và lời khai của bị cáo, nhân chứng và người có trách nhiệm nghĩa vụ liên quan, cơ bản các chi tiết chưa rõ ở phiên tòa phúc thẩm lần một nêu ra như: có hay không việc Lâm Tươi (người tông xe với ông Phước) ngoảnh đầu khi lái, bị hại có lỗi khi qua đường cùng bị cáo không, sai sót biển số xe Lâm Tươi trong hồ sơ, Lâm Tươi đi làn đường nào... đã được xác định rõ.
- VKS lý giải thế nào về các vấn đề bị cáo đưa trong các phiên tòa kêu oan, trong đó có việc đã bật đèn xi nhan và nghi vấn kết quả đo nồng độ?
- Việc bật xi nhan là một trong những vấn đề mà tòa phúc thẩm lần một yêu cầu làm rõ. Ngoài lấy lại lời khai các nhân chứng, khi khám nghiệm xe thì công tắt ở giữa, chứng minh bị cáo không bật xi nhan. Tuy nhiên, đèn xi nhan cũng chỉ là một yếu tố, quan trọng khi qua đường anh cần phải quan sát, nhường đường cho người đi ngược chiều.
Sau tai nạn, cán bộ CSGT vào bệnh viện đo nồng độ cồn qua đường mũi của bị cáo, khi đưa máy vào rồi lấy ra liền chỉ vài giây nên máy đo nồng độ vẫn ở mức giờ 14h43 là chuyện bình thường. Việc đo ấy có sự chứng kiến của người thân và nhân viên bệnh viện. Nồng độ cồn 0,69 mg/l khí thở phù hợp với việc bị cáo Phước khai đã uống rượu vào buổi sáng và trưa.
- Còn vấn đề luật sư bị cáo cho rằng Lâm Tươi đã đi không đúng làn đường, bởi trong bút lục thực nghiệm hiện trường thể hiện trước tai nạn anh ta chạy cách lề phải 3,9 m, trong khi tim đường 3,5 m (đường rộng 7 m), thưa ông?
- Thực nghiệm hiện trường ngày 5/4/2019, theo yêu cầu tòa phúc thẩm lần một, để dựng lại hiện trường tất cả lời khai của bị cáo, Lâm Tươi, người làm chứng... Bút lục 320 thể hiện xe Lâm Tươi cách lề phải 3,9 m là sau khi gây tai nạn chứ không phải trước lúc gây tai nạn như lời của luật sư. Chứng cứ là biên bản khám nghiệm ban đầu, lời khai phải phù hợp dấu vết để lại hiện trường.
Biên bản khám nghiệm hiện trường thể hiện vết cà 0,8 cm của xe bị cáo cách lề đường bên phải 2,2 m. Vết cà chứng minh điểm va chạm nằm hoàn toàn về phía đường bên phải của Lâm Tươi di chuyển. Do đó, xe anh ta đi hoàn toàn phía bên phải, không lấn đường như nhận định của luật sư.
- Trong hồ sơ, Lâm Tươi từng khai chạy với tốc độ 50-60 km/h. Vì sao cơ quan tố tụng đã không thực hiện việc giám định tốc độ xe?
- Trách nhiệm của Lâm Tươi liên quan đến vụ tai nạn cũng là vấn đề khiến tôi khá lăn tăn, lấn cấn trong 15 ngày nghiên cứu hồ sơ cho phiên phúc thẩm lần hai. Tuy nhiên, qua hồ sơ thu thập được, tốc độ của Lâm Tươi chỉ dừng lại ở dấu hiệu, không có cơ sở để chứng minh anh ấy chạy tốc độ cao.
Tại hiện trường không phát hiện vết thắng hay độ ma sát nào trên đường. Nói chung không có tư liệu để trưng cầu nên vấn đề này chỉ để tham khảo chứ không có cơ sở để xử lý. Muốn quy kết ai điều gì đó, chúng ta cần dựa vào chứng cứ.
Ngay trong lời khai của người này lúc thì chạy 50-60 km/h, lúc thì 40-50 km/h, nên khi nhận định chúng tôi phải lấy số liệu thấp nhất là 40 km/h. Ngoài ra, đoạn đường này khi xảy ra tai nạn lại chưa có biển báo quy định vận tốc bao nhiêu.
Cơ quan tố tụng sơ thẩm cho rằng không điều tra được tốc độ vì dữ liệu không có. Họ có công thức để tính toán song khi dữ liệu không có thì cũng không thể xác định được. Cụ thể ở đây là vết thắng hay ma sát trên đường.
- Luật sư bào chữa cho rằng, lời khai của nhân chứng Liên (vợ nạn nhân) cho biết Lâm Tươi khi lái xe đã quay đầu lại nói chuyện không được VKS đưa vào xem xét để định tội?
- Chị Liên trong bút lục điều tra có khai việc Lâm Tươi quay đầu phía sau nói chuyện. Tuy nhiên, tại phiên tòa phúc thẩm lần hai, chị lại khai thấy chồng vịn vai ông Phước khi qua đường rồi xuống bếp, lúc nghe tiếng động rầm mới chạy lên. Lời khai chị Liên bất nhất, mâu thuẫn.
Trong khi đó, lời khai của Lâm Tươi và người ngồi sau lại cho rằng không quay đầu lại. Lời khai này phù hợp khi người ngồi sau say rượu, không nói chuyện được với Lâm Tươi. Vì vậy, lời khai của chị Liên trong các bút lục không có cơ sở để xem xét.
Vành xe của Lâm Tươi sau khi tông vào xe bị cáo Phước đã biến dạng hình chữ V. Ảnh: Hồ sơ vụ án.
- Ông lý giải gì về việc điều tra viên có mặt từ đầu khi tai nạn dù chưa có người tử vong tại hiện trường theo quy định. Điều này đã khiến luật sư bị cáo nghi ngờ bản khám nghiệm ban đầu không được đưa vào hồ sơ?
- Lúc xảy ra tai nạn, Cơ quan cảnh sát điều tra đến hiện trường là bình thường chứ không phải bất thường. Cán bộ CSGT biết các nạn nhân bị thương rất nặng nên đã báo cáo về lãnh đạo, việc có mặt của điều tra viên và kiểm sát viên cùng tham gia khám nghiệm đã thể hiện rõ trách nhiệm của cơ quan tố tụng. Vì vậy, biên bản trong hồ sơ chính là biên bản khám nghiệm ban đầu. Luật sư không đưa ra biên bản nào khác chứng mình có biên bản khám nghiệm ban đầu nên lời bào chữa này không có cơ sở.
Còn chuyện biển số xe của Lâm Tươi ở biên bản khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm xe khác với lúc xử phạt hành chính có sai số là do điều tra viên nhầm lẫn, cái này đã có văn bản đính chính và đưa vào hồ sơ vụ án.
Theo bản án phúc thẩm, chiều 15/1/2017, sau khi nhậu, ông Lương Hữu Phước (52 tuổi, ở Đồng Xoài) chở anh Trần Hữu Quý (36 tuổi) về nhà lấy mũ bảo hiểm để đi hát karaoke. Khi sang đường, ông Phước rẽ trái không bật xi nhan, bị xe máy do Lâm Tươi chở anh rể chạy chiều ngược lại đâm phải. Tại nạn làm ông Phước và anh Quý bị thương. Hai ngày sau, anh Quý tử vong.
Bốn tháng sau, ông Phước bị khởi tố. Lâm Tươi bị xử phạt hành chính 4,5 triệu đồng vì chưa có giấy phép lái xe và nồng độ cồn 0,57 mg/l khí thở.
Tháng 3/2018, ông Phước bị TAND TP Đồng Xoài tuyên 3 năm tù. Ba tháng sau, TAND tỉnh hủy án sơ thẩm, yêu cầu trả hồ sơ điều tra lại do "có nhiều thiếu sót trong việc điều tra thu thập chứng cứ, vi phạm nghiêm trọng tố tụng". Tháng 12/2019, bị cáo vẫn bị phạt mức án như lần sơ thẩm đầu.
Ngày 29/5, sau vài giờ bị tòa phúc thẩm tuyên y án, ông Phước nhảy lầu tự tử tại trụ sở TAND Bình Phước.